KỸ THUẬT CHẾ BIẾN THỨC ĂN CHO BÒ
1. XÂY DỰNG QUI TRÌNH CHẾ BIẾN CÂY NGÔ, CỎ VOI BẰNG PHƯƠNG PHÁP Ủ CHUA ĐỂ DỰ TRỮ THỨC ĂN CHO BÒ TRONG MÙA KHÔ
1.1. Kỹ thuật ủ chua thức ăn thô xanh
Về nguyên lý quá trình ủ chua thức ăn thô xanh là quá trình lên men trong điều kiện yếm khí để chuyển các đường dễ tan chứa trong nguyên liệu ủ thành các axit béo dễ bay hơi. Khi lượng axit này được tích luỹ đến khối lượng nhất định thì pH môi trường có tác dụng ức chế hầu hết các hoạt động của vi khuẩn, nhờ đó thức ăn được bảo quản không hư hỏng.
Để đáp ứng nguyên lý ủ chua, nguyên liệu ủ phải được thái nhỏ (3- 4cm), sau đó lần lượt cho vào hố ủ theo từng lớp dày khoảng 15- 20cm, rồi nén chặt (nhằm nhanh chóng đạt điều kiện yếm khí). Có thể dùng máy kéo, công nông để đầm nén đối với các hố ủ lớn, còn đối với các hố ủ nhỏ có dung tích từ 1- 2 m3 ta có thể nén bằng chân, nhưng rất cần được nén chặt, đó là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng thức ăn ủ. Khi hố ủ đã đầy cần phải che kín bằng lá chuối tươi, lá cọ, bao tải dứa, tốt nhất là nilon. Sau đó phủ một lớp đất dày chừng 30- 40 cm và nén chặt. Chú ý chống nước ngầm và nước mưa thấm vào hố ủ. Sau khi ủ 2 tháng có thể sử dụng thức ăn ủ chua cho gia súc; nhưng cần lưu ý sau khi lấy thức ăn ủ ta phải che đậy kín để chống nước mưa thấm vào hố ủ.
1.2. Đánh giá chất lượng thức ăn ủ chua
Người ta dựa vào độ pH, hàm lượng các axit hữu cơ, hàm lượng amoniac, hàm lượng nước để đánh giá chất lượng ủ chua. Thức ăn ủ chua có độ pH trong khoảng 4 -4,5 được coi là chất lượng tốt. Nhưng nếu pH cao hơn 4,5 thì chất lượng ủ chua giảm đi. Hàm lượng axit lactic càng cao chất lượng ủ chua càng tốt. Tỷ lệ tiêu hóa thức ăn ủ chua tương tự như cỏ xanh cùng loại, nhưng khả năng ăn được của gia súc thường thấp hơn. Thức ăn ủ chua có chất lượng tốt thường có màu vàng nâu, không bị thối nhũn, đồng thời có mùi đặc trưng của axit lactic. Ngược lại nếu thức ăn ủ chua có màu sẫm đen, thức ăn nhũn nát, mùi khó chịu của axit butyric... tức là chất lượng thức ăn ủ chua kém.
Thức ăn ủ chua có thể sử dụng như nguồn thức ăn xanh cho gia súc. Do đó ngưới ta có thể cho gia súc ăn tự do cùng phối hợp với một số loại thức ăn khác (rơm chế biến urê, cỏ khô, thức ăn tinh...).
2. CHẾ BIẾN RƠM, CỎ KHÔ BẰNG PHƯƠNG PHÁP Ủ URÊ ĐỂ LÀM THỨC ĂN CHO BÒ, TẬN DỤNG NGUỒN NGUYÊN LIỆU RẺ TIỀN CỦA ĐỊA PHƯƠNG LÀM THỨC ĂN CHO BÒ
2.1. Quy trình ủ rơm lúa bằng urê
Rơm lúa vốn nghèo dinh dưỡng (2-5% protein) thành phần chủ yếu là xơ (31-33%) tỉ lệ tiêu hoá thấp. Tuy nhiên rơm lúa chứa một lượng năng lượng tiềm tàng. Khối lượng rơm lúa hàng năm ở nước ta vào khoảng 22 - 25 triệu tấn (xấp xỉ 1 lúa: 1rơm).
Để nâng cao hiệu quả sử dụng rơm người ta sử dụng phương pháp xử lý nhiệt độ, áp suất cao hay dùng hoá chất như xút, amoniac... Nhưng phương pháp này đòi hỏi thiết bị nên khó áp dụng vào sản xuất. Viện Chăn Nuôi đã nghiên cứu cải tiến phương pháp và dùng 4 kg urê cho 100 kg rơm, kết quả thí nghiệm trên gia súc khá tốt. Phương pháp này đơn giản dễ áp dụng và đã làm tăng tỉ lệ tiêu hoá thêm 10- 15%, tăng gần gấp đôi hàm lượng ni-tơ trong rơm, gia súc thích ăn và đã ăn được lượng chất khô tăng thêm 50% so với rơm không chế biến, cho tăng trọng hàng ngày cao hơn 30%, tiêu tốn thức ăn lại giảm 6% so với rơm chưa chế biến.
2.2. Phương pháp chế biến
Tỷ lệ nguyên liệu:
Rơm khô (ẩm độ 12-14%) 100 kg; Urê 4 kg; Muối ăn 0,5 kg; Nước lã sạch 70-80 lít.
Phương tiện cần cho quá trình ủ:
+ Phương tiện chứa rơm để ủ: Về mặt nguyên lý quá trình ủ rơm khác hoàn toàn quá trình ủ chua thức ăn xanh. Ủ rơm không nhất thiết đòi hỏi yếm khí như ủ chua. Để giảm chi phí, tăng khả năng ứng dụng kỹ thuật này mà vẫn đạt yêu cầu chế biến thì người chăn nuôi nên lợi dụng những điều kiện có sẵn của gia đình. Chẳng hạn như có thể lợi dụng các góc tường, bể xây, ô chuồng trống không nuôi gia súc, hoặc ủ ngay trong bao phân đạm, bao tải sác rắn, hay túi nilon loại lớn vv... để ủ rơm.
+ Vật liệu đệm lót, che phủ: Có thể dùng các mảnh nilon, vải mưa rách, lá chuối... ghép kín lại để đảm bảo thức ăn không nhiễm đất, cát bẩn và hạn chế thất thoát urê.
Các bước tiến hành
1. Hoà tan urê, muối vào nước theo công thức đã ghi ở mục tỷ lệ nguyên liệu ở trên.
2. Khối lượng rơm ủ mỗi lần tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của gia súc và dụng cụ chứa đựng.
3. Lần lượt rải rơm theo từng lớp (20 cm) vào hố ủ, khuấy đều dung dịch urê - muối và dùng ôzoa tưới đều lên rơm; lần lượt tiến hành như vậy cho tới khi hết lượng rơm cần ủ.
4. Dùng vật liệu đệm lót phủ kín lại, có thể dùng gạch, ngói, củi khô chặn lên để đống rơm ủ luôn kín trong suốt thời gian ủ.
Lưu ý: Nơi ủ phải chọn nơi khô ráo, tránh nước mưa và nước từ nơi khác thấm vào.
Cách sử dụng:
+ Rơm ủ kín trong thời gian 10-20 ngày bắt đầu lấy ra cho gia súc ăn.
+ Rơm ủ đạt chất lượng chế biến tốt sẽ có màu vàng đậm, mùi urê, không có mùi nấm mốc, rơm ẩm và mềm đều.
+ Khi lấy rơm ủ cho gia súc ăn chỉ nên lấy ra ở một góc (không lật toàn bộ lớp đệm lót che phủ) lấy rơm xong lại lấp lớp đệm lót che phủ lên cho kín.
+ Cho gia súc ăn tự do tuỳ khả năng của chúng. Đối với một số con biếng ăn, có thể phơi rơm đã chế biến trong bóng mát 30-45 phút để bay bớt mùi urê, trước khi cho ăn hoặc rắc lên một chút cỏ xanh để chúng quen dần với mùi urê trong rơm ủ.
3. Xây dựng khẩu phần ăn thích hợp cho bò lai hướng sữa
Nuôi bò sữa có nguồn cỏ voi trồng và cỏ tự nhiên khá dồi dào nên khẩu phần ăn được xây dựng chủ yếu dựa trên nguồn thức ăn xanh này cùng với việc bổ sung rơm ủ urea và thức ăn tinh tự phối trộn từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Công thức thức ăn hỗn hợp tự trộn được trình bày ở Bảng 6.
Bảng 6. Thành phần và tỷ lệ các loại thức ăn trong hỗn hợp tự trộn
Tên thức ăn Tỷ lệ phần trăm trong hỗn hợp (%)
Sắn khô 40
Bột ngô 30
Cám gạo 13
Đậu tương 10
Thức ăn đậm đặc 5
Urê 2
CP (%) 17,7
ME (Kcal) 2240
Công thức tự phối trộn nêu trên có hàm lượng năng lượng trao đổi và protein thô là 2240 Kcal và 17,68% và tương đương với loại cám đậm đặc của CP dùng cho bò sữa (cám CP 884 có hàm lượng ME = 2300 Kcal và CP khoảng 16%).
Rơm ủ urê được chúng tôi tiến hành ủ với 4% urea trong bể xi măng theo qui trình đã nêu ở trên. Kết quả phân tích thành phần hóa học của rơm ủ cho thấy hàm lượng chất khô là 61%; protein thô là 16,88%; hàm lượng NDF là 72,6% và xơ thô là 30%.
Ngoài rơm khô và cỏ voi hoặc cỏ tự nhiên thì thân cây ngô sau thu bắp cũng là một nguồn phụ phẩm sẵn có tại Quảng Bình. Loại thân cây ngô này có hàm lượng chất khô tương đối cao (19%), hàm lượng protein và NDF cũng tương đối cao (tương ứng là 11% và 65%). Với các loại thức ăn thô xanh và thô khô sẵn có, khẩu phần cơ sở của bò sữa có thể bao gồm 1 hoặc 2 trong số các loại nguyên liệu thô này. Các công thức khẩu phần cơ sở và thức ăn tinh bổ sung được trình bày ở Bảng 7.
Bảng 7. Khẩu phần cơ sở và thức ăn tinh bổ sung cho bò vắt sữa
Tên thức ăn Khẩu phần 1 Khẩu phần 2 Khẩu phần 3
Cỏ voi tươi (kg/con/ngày) 50 30 25
Thân cây ngô tươi (kg/con/ngày) - 15 -
Rơm ủ urea (kg/con/ngày) - - 6
Hỗn hợp TĂ tinh tự trộn (kg/kg sữa) 0,5 0,5 0,5
Khoáng liếm Tự do Tự do Tự do
VCK ăn vào từ KP cơ sở (kg/con/ngày) 6,0 5,9 6,2
Do số bò cái vắt sữa tương đối đồng đều về khối lượng và năng suất sữa nên đàn bò được nuôi trong cùng 1 ô và cho ăn khẩu phần cơ sở theo cả nhóm. Riêng thức ăn tinh được cho ăn riêng theo từng con để tránh hiện tượng mất cân đối giữa các cá thể, nhất là ở các giai đoạn năng suất sữa của các cá thể trong đàn khác nhau. Bê cái hậu bị sau khi cai sữa cũng được nuôi chung với đàn vắt sữa nhưng thức ăn tinh được bổ sung ở mức 0,5-1 kg/con/ngày tùy theo thời kỳ sinh trưởng.
(
Trụ sở chính
17C, Trương Định, Phường 1 Thị xã Gò Công, Tỉnh Tiền Giang
(+84) 073 510639 Fax: (+84) 073 510639
info@phuocthanhfarm.vn
www.phuocthanhfarm.vn
Văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh
32-34, Đường số 13 , Phường An Phú , Quân 2, TP.HCM
(84-8) 37 44 66 11 - 37 44 66 22
Fax: (84-8) 37 44 66 00
Trang trại Phước Thành
Tiểu khu 205 , xã Ya To Mot , Huyện Ea Sup , Daklak
01655835104 - 0947762867
Fax: